Kỹ năng tìm kiếm và giải quyết vấn đề trong lập trình

🗣 Bài viết đăng bởi Pinker vào lúc 19-05-2022 và cập nhật lúc 19-05-2022 👁 2158 lượt xem
Chia sẻ ➯
Kỹ Năng Tìm Kiếm Và Giải Quyết Vấn đề Trong Lập Trình

Kiến thức luôn là bao la & vô tận, nên trong cuộc sống và công việc hằng ngày, sẽ có rất nhiều thứ chúng ta chưa biết hoặc không biết. Cách để giải quyết là tìm tòi, mày mò, học hỏi từ xung quanh và nhờ sự giúp đỡ. Trong ngành lập trình nói riêng và công nghệ thông tin nói chung, kỹ năng tìm kiếm được xem là sống còn, vì nếu thiếu nó thì bạn sẽ khó mà giải quyết được công việc, luôn mất thời gian để xử lý. Tôi đã làm việc trong ngành này từ 2017, thời gian đầu tiên cực kỳ vất vả để tìm được cách giải quyết trên Google, dần dần sau này được nâng cấp tích lũy kinh nghiệm từ thực tế và những người đi trước.

Lượn qua nhiều hội nhóm, group trên Facebook, Zalo…nhận thấy rằng các bạn đặt rất nhiều câu hỏi, nhưng đôi khi không có ai vào hỗ trợ hay trả lời. Nó có thể đến từ việc mọi người trong nhóm không biết (điều này ít xảy ra) hoặc là cách hỏi của các bạn chưa đủ hoặc chưa đúng. Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ những gì tôi đã biết và trải qua trong quá trình làm việc về vấn đề “Tìm kiếm” và “Hỏi đáp”. Mục đích cuối cùng là chúng ta phải giải quyết được vấn đề của riêng mình đang gặp phải.

Bài viết khác

Tìm kiếm trên Google

Đầu tiên bạn phải tự thân vận động, phải bỏ thời gian ra tự tìm tòi, Google.com luôn là người bạn đồng hành tốt nhất của chúng ta trong lĩnh vực này. Hãy tìm kiếm và tham khảo các kết quả tìm kiếm trước khi bắt đầu hỏi một ai đó (nếu không muốn bị ăn “chửi”). Có những thứ bạn chỉ cần tìm một cái là ra ngay kết quả đầu tiên hoặc ở trang 1, trang web đưa ra nhiều gợi ý nhất chính là stackoverflow.com hoặc là các trang web vệ tinh khác của chính mã nguồn bạn đang tìm như laracast.com (Laravel), php.net (PHP), developer.wordpress.org (WordPress)…hoặc các trang web, blog Việt Nam.

Research bằng Tiếng Anh

Hãy trang bị cho mình vốn từ vựng Tiếng Anh cơ bản để có thể tối ưu được việc này. Ở Việt Nam, ngành lập trình còn rất non trẻ nên tài liệu viết bằng Tiếng Việt cũng chưa nhiều. Hầu hết tài liệu đều viết bằng Tiếng Anh, xuất phát từ các trang web nước ngoài, vừa nhiều vừa có độ chính xác cao. Bạn đang nghĩ câu hỏi bằng Tiếng Việt như nào thì hãy cố gắng dịch nó sang Tiếng Anh, “word by word” cũng được. Ví dụ với các mẫu dưới đây:

  • Hãy tìm “laravel connect mysql tutorial” thay cho “kết nối laravel với mysql”.
  • Hãy tìm “wordpress hook after post content” thay cho “chèn nội dung sau bài viết trong wordpress”.
  • Hãy tìm “php check string contains string” thay cho “kiểm tra chuỗi trong chuỗi trong php”.
  • Hãy tìm “css text underline” thay cho “làm chữ gạch dưới trong css”.
  • Hãy tìm “html tag bold text” thay cho “thẻ bôi đậm trong html”.

Bạn đang cần tìm cho cái gì, thì hãy đặt từ khóa đó lên đầu tiên, ví dụ laravel…., wordpress…., php…., html…., css…., javascript….Ngay khi bạn gõ đến từ thứ 2 thôi là Google đã gợi ý ra nguyên câu rồi, rất tiện lợi.

Google Suggest
Google Suggest

Đây chỉ là những mẫu ví dụ cơ bản, các bạn có thể áp dụng cho tất cả các lần research khác. Cứ search nhiều đi, không biết thì lên Google Dịch để tìm từ bằng Tiếng Anh, hãy tập thói quen này sẽ giúp ích rất nhiều đó. Và lưu ý hãy cố gắng gõ từ khóa thật ngắn gọn, xúc tích, trọng tâm, đủ ý cần tìm, không lan man. Kỹ năng tìm kiếm dần dần sẽ được nâng cao hơn.

Không diễn tả lại lỗi với Google

Đừng cố gắng diễn tả lỗi cho Google vì nó không biết đâu, hãy chỉ đích danh lỗi đó cụ thể như nào, ở bộ phận nào. Khi bạn code nói riêng và sử dụng máy tính nói chung thì bất kỳ 1 lỗi nào đều sẽ trả về cho bạn thông báo bằng hình ảnh và chữ rõ ràng. Hãy copy dòng chữ đó lên Google và tìm nhé, đây là một kỹ năng tìm kiếm cơ bản đó.

Khi Con Gái Search Google
Khi Con Gái Search Google

Tất cả những gì máy tính trả về và hiển thị cho bạn đều có trên mạng hết rồi, vì người ta cũng tìm bằng dòng chữ đó thôi, đừng dịch nó ra Tiếng Việt rồi tìm nhé.

Đừng bao giờ hỏi Google theo kiểu “wordpress không khởi động được”, nó không khởi động được thì nó show ra chữ gì, thì gõ chữ ấy lên mà tìm. Tương tự như kiểu bạn ra ngoài hiệu thuốc hỏi mua “thuốc đau bụng”, làm gì có thuốc đấy, người ta sẽ phải hỏi xem bạn đau chỗ nào? Trước khi đau có hiện tượng gì không? Ăn gì không? Thì người ta mới biết cụ thể là đau dạ dày hay ruột hay gan…thì mới bán đúng thuốc cho bạn được chứ.

Tìm sự giúp đỡ từ người khác

Đứng ở phương diện là người cần tìm sự giúp đỡ, hãy luôn tỏ ra sự cầu thị, đừng thể hiện bố đời hay là mày phải giúp tao. Ăn nói cũng phải chủ ngữ – vị ngữ đàng hoàng, còn kiểu cộc lốc, nhẹ thì bạn chỉ có thể nhận lại chữ “đã xem” mà thôi, nặng thì bị mọi người lên án ngay lúc đó.

Hãy tìm kiếm trên Google trước khi đến bước tiếp theo này. Khi bạn đã tìm kiếm chán chê nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề, thì tiến hành áp dụng phương pháp này. Có thể gửi câu hỏi lên nhóm hoặc trực tiếp 1 ai đó. Cách diễn đạt và mô tả lại cho người khác có thể giúp được bạn, cũng là một kỹ năng đấy.

Mô tả câu hỏi đủ nghĩa, từ đầu đến cuối

Hãy diễn đạt trọn vẹn ý, đầu tiên bạn làm gì, tiếp theo làm như nào, cuối cùng nó ra sao, thì người khác mới biết quá trình bạn đang làm gặp lỗi ở đâu, vì sao lỗi. Đừng bộp phát nói “bị như này là sao vậy mọi người”, “em làm như này mà không được”, câu dễ thì không sao chứ câu khó lòng vòng mà như này thì chả ai hiểu được bạn đang làm gì mà lỗi.

Cung cấp thêm hình ảnh

Chụp ảnh màn hình những gì bạn đã làm, trình tự các bước đầy đủ để diễn đạt dễ hiểu hơn cho người đọc. Hãy chụp màn hình bằng công cụ có sẵn trên máy tính nhé (Window + Shift + F), chứ hạn chế dùng điện thọai để chụp, khó nhìn lắm.

Cung cấp thêm đường link (nếu có)

Bạn đã cố gắng diễn đạt theo 2 bước trên nhưng người đọc vẫn chưa hình dung được, chưa giải quyết được vấn đề. Thì hãy cung cấp thêm đường link để người khác kiểm tra một cách trực quan hơn.

Ghi chú lại

Dành ra rất nhiều suy nghĩ và thời gian để có thể giải quyết được vấn đề của bạn. Biết đâu lại quên keyword hoặc trang mà bạn đã tìm, những giải đáp của mọi người trên nhóm. Để tránh phải mò mẫm và hỏi lại, hãy note lại những vấn đề khó, những lời giải phức tạp, sẽ có ích cho bạn đó.

Đáp lại cảm ơn trân thành

Chẳng ai rảnh đi giúp bạn đâu, đã không được gì lại mất thời gian, vì vậy hãy tỏ lòng cảm tạ nếu ai đó đã nhiệt tình giúp mình (cho dù vấn đề đã được giải quyết hay chưa) thì lần sau người ta mới muốn giúp bạn lần nữa.

Giúp đỡ lại người khác

Chia sẻ là còn mãi, cho đi để nhận lại. Nếu bạn đã được người khác giúp rồi, thì hãy lan tỏa hành động này và giúp những người tương tự như bạn. Điều tốt đẹp sẽ cứ nhân lên trong cộng đồng.

Kết luận

Tổng kết lại, chúng ta có các gạch đầu dòng sau:

  • Trước tiên hãy luôn tự sử dụng kỹ năng tìm kiếm trên Google.
  • Tìm kiếm ngắn gọn, xúc tích bằng từ khóa Tiếng Anh.
  • Luôn tỏ thái độ cầu thị khi nhờ người khác giúp đỡ.
  • Mô tả rõ ràng vấn đề đang gặp phải, cung cấp nhiều dữ liệu.
  • Đã làm gì? Làm như nào? Đến đâu thì lỗi?
  • Cảm ơn trân thành và giúp đỡ những người khác.
5/5 - (2 bình chọn)

Bài viết khác

Tổng hợp Download Plugin - Theme cho WordPress : Xem ngay
Nhóm Zalo : Tham gia ngay
TAGS: ĐẶT CÂU HỎI GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ KỸ NĂNG LẬP TRÌNH KỸ NĂNG TÌM KIẾM LẬP TRÌNH RESEARCH TÌM KIẾM TRONG LẬP TRÌNH TỪ KHÓA LẬP TRÌNH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

9 trừ ba bằng mấy (trả lời bằng chữ) ?

Hotline Zalo Giới thiệu
0986.209.305
Zalo
Giới thiệu